Áp dụng ‘chuyển đổi số’ như thế nào?

Thực hiện chuyển đổi số có thể là mục tiêu của các tổ chức nhà nước phải áp dụng, còn chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là phương tiện để đạt được mục đích. Chính vì vậy, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ được cân nhắc áp dụng theo những thời điểm với những quy mô và mức độ cụ thể.

Một vấn đề mới chẳng bao giờ người mới tiếp cận có thể mường tượng qua một thuật ngữ cũng mới đặt ra. Nhiều khi ngôn ngữ cũng lại là một rào cản trong việc mô tả. Chẳng thế mà người ta phải giải thích “chuyển đổi” là danh từ và “số” là tính từ.

Người ở góc độ phân tích ngữ văn tiếng Việt không thể nào chấp nhận bởi “chuyển đổi” hiển nhiên là động từ và “số” phải là danh từ (đối tượng của động từ). “Digital Transformation” là một sự chuyển đổi có tính thể hiện ở dạng thức số hoá. Sự hạn chế trong việc mô tả của ngôn ngữ đã dẫn đến chuyển ngữ sang tiếng Việt đã đặt ra thuật ngữ “chuyển đổi số” có vẻ mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn.

Ngôn ngữ đồng văn là tiếng Trung đã chọn thuật ngữ tương đương là “Số học hoá chuyển hình”. Cấu trúc tiếng Việt tính từ ở sau danh từ nên không tránh khỏi hiểu sang cấu trúc động từ với danh từ cũng ở sau khiến thuật ngữ trở nên khó hiểu.

Thuật ngữ “chuyển đổi số” đã được đặt ra và đã có quá trình sử dụng nên cũng khó đặt lại vấn đề có thay đổi hay không. Quan trọng là nội hàm của chuyển đổi số cần được hiểu rõ ràng để thúc đẩy nó khi đã xác định những lợi ích mang lại không nhỏ. Chuyển đổi số là một quá trình thay đổi, áp dụng công nghệ số hoá sao cho một doanh nghiệp, một tổ chức khi áp dụng như có tác dụng của một đòn bẩy đối với công nghệ, con người và quy trình để cải thiện hiệu quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động gắn liền với các các mô hình kinh doanh mới, mô hình hoạt động mới.

Sự chuyển đổi có tính số hoá ở doanh nghiệp chẳng hạn mang bản chất văn hóa và ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của doanh nghiệp bao gồm bán hàng, tiếp thị, điều hành và dịch vụ khách hàng. Sự chuyển đổi này thường đi kèm rất điển hình việc chuyển sang công nghệ đám mây hiện đại.

Đối với doanh nghiệp, lợi ích đến từ khách hàng và mục đích của chuyển đổi số chắc chắn hướng tới khách hàng và liên kết với khách hàng. Đối với các tổ chức nhà nước thì đối tượng phục vụ là người dân nhưng vai trò của người dân đối với tổ chức nhà nước lại không có ý nghĩa sống còn như khách hàng với doanh nghiệp. Nếu chuyển đổi số là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp để có thể tồn tại thì chuyển đổi số đối với các cơ quan nhà nước lại là từ nhận thức tự nguyện nâng cao chất lượng phục vụ.

Thực hiện chuyển đổi số có thể là mục tiêu của các tổ chức nhà nước phải áp dụng, còn chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là phương tiện để đạt được mục đích. Chính vì vậy, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ được cân nhắc áp dụng theo những thời điểm với những quy mô và mức độ cụ thể.

Chuyển đổi số được nói đến như một nhận thức mới mẻ và có thể là một kỳ vọng phát triển về chất, mang lại kết quả khác biệt trong thời gian tới của nền kinh tế. Thế nhưng chuyển đổi số lại không phải là những gì xa lạ đang diễn ra trên toàn cầu trong khi Việt Nam đã hội nhập từ lâu. Thực tế các quá trình điện tử hoá, tin học hoá đã diễn ra từ nhiều chục năm nay. Các doanh nghiệp hiện có đủ các loại hình. Không thiếu các doanh nghiệp toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam.

Có rất nhiều doanh nghiệp Việt có quan hệ trong một chuỗi cung ứng với các đối tác nước ngoài. Nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp nếu có sẽ luôn được đặt ra và nhanh chóng được đáp ứng khi cần phải có. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp Việt cũng đủ thông tin và năng động để tiệm cận những gì hiện đại và cần thiết đang diễn ra.

Ngược dòng thời gian trước đây khi các doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được ý nghĩa của việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000 thì chính nhu cầu của doanh nghiệp đã kéo theo các dịch vụ xây dựng và chứng nhận hệ thống trước khi xã hội nói đến rộng rãi. Chính các cơ quan quản lý nhà nước lại nhiều khi không duy trì hoặc vẫn không áp dụng một tiêu chuẩn quản lý hệ thống nào.

Tương tự như vậy, việc ứng dụng số hoá nhiều quá trình hoạt động của doanh nghiệp đã diễn ra liên tục từ lâu nay ngay cả không cần biết đến có một thuật ngữ là “chuyển đổi số”. Ở một chiều khác, nếu các tổ chức nhà nước chủ động thay đổi mô hình phục vụ ứng dụng điện tử và số hoá thì lại có tác dụng thay đổi kéo theo ở các doanh nghiệp. Hiện tại nhiều quy trình như khai báo hải quan, khai báo thuế, quản lý hoá đơn chẳng hạn đã có sự áp dụng tương thích và đồng bộ.

Như vậy, có thể nói, chuyển đổi số là một nhu cầu có tính chất là phương tiện để đạt được mục đích hoạt động của một doanh nghiệp hay một tổ chức. Chuyển đổi số không phải là một mục tiêu và không có một mô hình chung áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp và tổ chức. Áp dụng công nghệ số hoá luôn gắn liền với một hạ tầng công nghệ tin học về lưu trữ và xử lý thông tin. Các doanh nghiệp luôn phải biết cân đối giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu được.

Đối với các tổ chức thuộc về quản lý nhà nước cũng vậy, xác định được mô hình ứng dụng và còn phải căn cứ khả năng đầu tư và nguồn nhân lực mới có thể quyết định việc thực hiện trong thực tế. Nói chuyển đổi số lúc này không chỉ là nói đến một khái niệm và lợi ích chung chung. Nó cũng không phải là một cái gì mới mẻ để được nhắc đến một cách ưa thích. Đối với từng cơ quan cụ thể về quản lý nhà nước cần chỉ ra nếu thực hiện thì mô hình sẽ như thế nào, lợi ích ra sao, nếu thực hiện thì lập kế hoạch thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp nếu xác định rõ ràng một mô hình mong muốn thực hiện mà nhà nước hỗ trợ nguồn lực thì nhà nước có thể thúc đẩy việc thực hiện, còn không đó là việc chủ động của doanh nghiệp. Độ trễ thường ở các môi trường sử dụng nguồn lực công chứ doanh nghiệp thường biết cần phải bỏ tiền ra lúc nào.

Theo Ngô Thái Bình

Nhà đầu tư