Doanh nhân Lý Ngọc Minh – người mê gốm sứ

Vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã có hành trình hơn 50 năm đổi mới, lan tỏa tinh hoa gốm sứ Việt ra thế giới, phủ sóng rộng khắp toàn quốc và các thị trường lớn như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nga…

Sự thay đổi từ những “cuộc cách mạng”

Kế thừa truyền thống làm gốm 4 đời của dòng họ Lý (thời ông nội của nhà sáng lập Lý Ngọc Minh) có bề dày hơn 100 năm, Minh Long bắt đầu từ sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài, sau năm 1995, DN chuyển hướng sang sản xuất sứ gia dụng cao cấp.

Chia sẻ về những dấu mốc đáng chú ý của DN, ông Minh cho biết có 3 cuộc “cách mạng” lớn từ khi thành lập. Thứ nhất, đó là khi ông khoảng 16, 17 tuổi, trở thành người làm chủ công việc kinh doanh đầy mơ mộng viển vông, vùi đầu vào công việc nghiên cứu nhưng vì không đủ nguồn lực nên phải dừng lại.

Thứ hai, khi ông nghe được câu chuyện vị lãnh đạo cho rằng, tỉnh Bình Dương là một tỉnh gốm sứ cho nên hoàn toàn có thể sản xuất ra những bộ ấm chén để tiếp khách, không cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đó thôi thúc ông một lần nữa quyết tâm theo đuổi nghề gốm sứ.

Cuối cùng là “cuộc cách mạng” về việc áp dụng những máy móc hiện đại, dây chuyền tự động hóa cùng công nghệ sản xuất mới nhất thế giới để tạo nên những sản phẩm đột phá như hiện tại. Trong đó, phải kể đến công nghệ sản xuất gốm sứ cao cấp ở nhiệt độ 1.3800C, đạt tiêu chuẩn châu Âu bằng phương pháp “nung một lần” trong 20 tiếng.

Với công nghệ này, Minh Long được cho là DN đầu tiên trên thế giới thực hiện nung một lần giúp sản phẩm có lớp men cứng, chắc, đạt độ bóng cao, ít bám bụi, đồng thời không chứa các chất độc hại. Đây cũng là một điểm độc đáo của sản phẩm gốm sứ cao cấp Minh Long. Xuyên suốt quá trình thay đổi và phát triển, Minh Long đã chứng kiến rất nhiều biến chuyển, duy chỉ có đam mê và tâm huyết của người “thuyền trưởng” Lý Ngọc Minh là bất biến.

Học tắt nhưng rất sâu

Ông cho biết: Từ bé, ông luôn học hỏi từ những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực, học rất sâu để giải quyết vấn đề.

“Nếu học bài bản sẽ tốn thời gian quá dài và cuộc sống không cho phép, nên tôi học tắt” – ông nói. Với những sản phẩm mang tính sáng tạo, đột phá, Minh Long đều cần khoảng thời gian dài, qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến nhiều năm để mang đến một sản phẩm hoàn thiện. Điều này đặt ra cho người đứng đầu bài toán tối ưu hóa thời gian mà vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

Chẳng hạn, việc áp dụng công nghệ nung một lần ở nhiệt độ cao cùng nhiều công nghệ tiên tiến, đột phá áp dụng trong sản xuất khác, Minh Long có thể tiết kiệm tối đa chi phí và giúp sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.

Tuy vậy, người đứng đầu DN sẽ phải mất nhiều thời gian, chất xám để tạo nên sự thay đổi phù hợp. Giải quyết bài toán này, Gốm sứ Minh Long vừa nghiên cứu nhu cầu thị trường để đáp ứng kịp nhu cầu khách hàng, vừa phải đi trước để đón đầu. Người “chỉ huy trưởng” của cuộc cách mạng đổi mới chia sẻ, DN có 2 tiêu chí trong kinh doanh.

Đó là những sản phẩm đã được sản xuất trên thị trường thì luôn bán với chất lượng vượt sự mong đợi của khách hàng. Đó là lý do Gốm sứ Minh Long luôn mang đến những sản phẩm được yêu thích rộng rãi trên thị trường như ly, chai đựng nước có phong cách khác biệt, dòng sản phẩm linh vật của năm…

Bên cạnh đó, đối với những sản phẩm chưa được sản xuất thì luôn cung cấp những thứ khách hàng mơ ước. Chẳng hạn nồi dưỡng sinh là sản phẩm mà ông Minh phải mất hơn 20 năm để hoàn thiện và đưa ra thị trường. Nồi dưỡng sinh có yếu tố khác biệt là chín sâu, luộc không nước, có thể chiên, rang, nướng, hướng đến bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Có thể nói, để đổi mới sáng tạo, “thuyền trưởng” Lý Ngọc Minh đã tìm ra và áp dụng những giải pháp, quy luật của riêng mình; học tắt hiểu sâu, cải tiến những điều cũ để tạo ra cái mới, hoặc trở thành người tiên phong để đem đến sản phẩm khác biệt.

Nhìn về bức tranh tương lai, ông Minh cho rằng: Chúng ta phải tìm cách nào để thích nghi, bởi trong cái khó ló cái khôn, chính không có cái khó thì chúng ta không thể sáng tạo. Trong đó 3 yếu tố “học, hỏi, hành” là tiên quyết giúp người đứng đầu đưa DN cất cánh.

Theo kinhtedothi.vn